Phun xăng điện tử là gì?

Phun xăng điện tử (Electronic Fuel Injection hoặc Fuel Injection) viết tắt là EFI hoặc FI. Hệ thống này thay thế cho bộ chế hòa khí và được sử dụng từ những năm 1970. Với khả năng cung cấp lượng nhiên liệu chính xác cho quá trình cháy, từ đó tối ưu công suất động cơ, tiết kiệm đáng kể nhiên liệu sử dụng và làm giảm lượng khí thải vào môi trường, hệ thống này được sử dụng phổ biến hơn từ những năm 1980. Đến những năm 1990, hệ thống EFI trở thành bộ phận tiêu chuẩn trên hầu hết các dòng xe ô tô.

Hệ thống hoạt động theo nguyên lý điều phối lượng nhiên liệu với tỷ lệ phù hợp để phun vào buồng đốt. Việc trang bị hệ thống phun xăng này giúp ô tô tiết kiệm được nguồn nhiên liệu trong khi động cơ vẫn vận hành ổn định. Đồng thời, hệ thống cũng giúp cải thiện hiệu suất và khả năng lái, cho người dùng cảm giác lái êm mượt hơn.

Cấu tạo hệ thống phun xăng điện tử

Hệ thống được cấu tạo gồm ba bộ phận chính, đó là:

Các cảm biến

Đây là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ thu thập những thông tin, dữ liệu khác nhau liên quan đến điều kiện hoạt động động cơ, tín hiệu điều khiển của người lái và điều kiện môi trường. Sau đó, những thông tin này sẽ được gửi đến bộ phận điều khiển điện tử ECU. Tại đây, ECU sẽ tổng hợp, phân tích và đưa ra tín hiệu điều khiển phun nhiên liệu phù hợp.

Hệ thống phun xăng điện tử sử dụng tín hiệu từ rất nhiều cảm biến trên xe, ví dụ như cảm biến nhiệt độ (nhiệt độ động cơ, nhiệt độ khí thải,..), cảm biến áp suất, cảm biến tốc độ, cảm biến vị trí bướm ga… Các loại cảm biến đó được lắp đặt ở nhiều vị trí khác nhau trên động cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.

Bộ điều khiển điện tử

Bộ điều khiển điện tử trung tâm (ECU) được coi là bộ phận chủ chốt trong hệ thống phun xăng này. ECU sẽ tổng hợp và xử lý tất cả những thông tin được tiếp nhận từ cảm biến sau đó truyền tín hiệu tới kim phun nhiên liệu. Kim phun sẽ được cấp tín hiệu điều khiển sao cho việc phun đảm bảo đúng thời điểm, đúng lượng phun. Điều này giúp cải thiện hiệu suất xe, giảm mức tiêu hao nhiên liệu cũng như giảm lượng khí thải ra môi trường.

Bộ phận phun nhiên liệu

Bộ phận phun gồm có bơm tạo áp, các đường ống dẫn và vòi phun (hay kim phun). Nhiệm vụ của bộ phận này là nhận tín hiệu và bơm phun nhiên liệu với tỷ lệ phù hợp vào buồng đốt.

Số lượng cảm biến cũng như kim phun nhiên liệu sẽ khác nhau. Con số này tùy thuộc vào độ phức tạp của hệ thống, cấu hình của động cơ và số lượng xilanh trong động cơ.

Hệ thống EFI cấu tạo gồm ba bộ phận chính

Hệ thống EFI cấu tạo gồm ba bộ phận chính (Nguồn: Sưu tầm)

Nguyên lý hoạt động của hệ thống phun xăng điện tử

Hệ thống EFI hoạt động dựa trên sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận với nhau.

Đầu tiên, khi xe khởi động, hệ thống điều khiển điện tử trung tâm sẽ quét từng cảm biến có trong động cơ.

Các cảm biến hoạt động, các thông số về nhiệt độ, mật độ không khí, áp suất không khí; nhiệt độ, áp suất nhiên liệu; thời gian, tốc độ động cơ,… sẽ liên tục được thu thập và ghi nhận. Những dữ liệu này sẽ được bộ ECU tiếp nhận và xử lý. ECU trong hệ thống phun xăng điện tử sẽ căn cứ vào đó để tính toán và phát tín hiệu đến cơ cấu chấp hành là vòi phun hoặc kim phun, thiết lập thời gian để kim phun mở và tối ưu lượng nhiên liệu phun vào buồng đốt động cơ. Nhờ vậy, lượng nhiên liệu sẽ được phun với thời gian và lưu lượng hợp lý nhất đảm bảo cho động cơ hoạt động tốt và tiết kiệm nguồn nhiên liệu hiệu quả.

Ưu nhược điểm của hệ thống phun xăng điện tử

Ưu điểm của phun xăng điện tử

Ưu điểm đầu tiên của hệ thống phun xăng là có thể điều chỉnh chế độ phun, lương phun hay thời điểm phun thông qua bộ điều khiển trung tâm ECU. Bộ điều khiển ECU trong hệ thống này sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh lượng nhiên liệu phù hợp cho quá trình vận hành của xe. Theo đó, nhiên liệu sẽ được phun ít hơn ở tốc độ thấp để tiết kiệm và sẽ phun nhiều hơn ở tốc độ cao để tăng công suất động cơ. Bên cạnh đó, hệ thống EFI giúp làm giảm lượng khí thải xả ra ngoài môi trường. So với động cơ sử dụng bộ chế hòa khí, động cơ sử dụng loại phun xăng này được cung cấp lượng nhiên liệu và không khí với độ chính xác cao hơn. Nhiên liệu được đốt cháy hiệu quả và tối đa hơn. Vì vậy, lượng khí thải được tạo ra ít hơn.

Ngoài những ưu điểm này, phun xăng điện tử còn giúp động cơ vận hành với công suất tối ưu, có thể tự động điều chỉnh lượng nhiên liệu phù hợp với quãng đường mà xe di chuyển. Hơn nữa, động cơ sử dụng hệ thống EFI giúp cho việc khởi động xe trở nên dễ dàng hơn. Động cơ có thể khởi động nhanh chóng, ngay cả trong điều kiện thời tiết giá rét, giúp người dùng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian chờ đợi. Việc khởi động xe dễ dàng cũng giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng của hệ thống khởi động trên xe.

Nhược điểm của phun xăng điện tử

Bên cạnh những ưu điểm trên, hệ thống này lại có nhược điểm đó là chi phí sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng cao. Hệ thống được thiết kế với nhiều linh kiện phức tạp. Vì vậy, khi có hư hỏng xảy ra, việc sửa chữa sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Bên cạnh đó, đầu vào nhiên liệu cho hệ thống này cần đảm bảo. Xăng, dầu đảm bảo không pha trộn hay nhiễm tạp chất, gây ảnh hưởng đến hoạt động phun xăng.

Hệ thống phun xăng điện tử EFI trên ô tô có mấy loại?

Hệ thống phun xăng này được phân thành các loại:

L-EFI (Loại điều khiển lưu lượng không khí)

Hệ thống phun xăng L-EFI lấy dữ liệu từ một cảm biến lưu lượng khí nạp. Loại cảm biến này giúp phát hiện lượng không khí nạp vào đường ống nạp theo hai cách. Cách thứ nhất là đo trực tiếp khối không khí nạp vào. Cách thứ hai là hiệu chỉnh dựa trên thể tích không khí.

D-EFI (Loại điều khiển áp suất đường ống nạp)

Cách thức hoạt động của loại phun xăng điện tử này là trực tiếp đo áp suất trong đường ống nạp. Quá trình này sẽ giúp phát hiện lượng khí nạp phù hợp với tỷ trọng của không khí nạp hay không.

Cách vệ sinh hệ thống phun xăng điện tử trên ô tô

Trong quá trình xe hoạt động, hệ thống này sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Nguồn nhiên liệu đầu vào kém chất lượng, nhiều tạp chất, không khí bụi bẩn, lọt nước, muội than sinh ra trong quá trình đốt,... là những tác nhân làm hệ thống bám bẩn, tắc nghẽn, dễ dàng bị lỗi hoặc hư hỏng, ảnh hưởng đến vận hành của xe ô tô. Vì vậy, việc vệ sinh thường xuyên, đúng cách là cần thiết.

Về cơ bản, vệ sinh hệ thống phun xăng là việc loại bỏ muội bẩn ở kim phun. Đây là bộ phận có nhiệm vụ trực tiếp bơm nhiên liệu vào buồng đốt, giúp quá trình đốt cháy nhiên liệu diễn ra hiệu quả hơn. Khi kim phun được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo nhiên liệu di chuyển ổn định, hạn chế tiêu hao nhiên liệu và nhiều hư hỏng khác cho động cơ.

Để đảm tránh làm hư hỏng hệ thống phun xăng, người dùng nên tiến hành vệ sinh hệ thống tại các cơ sở uy tín, hoặc đăng ký dịch vụ bảo dưỡng định kỳ tại hệ thống đại lý/trạm dịch vụ chính hãng của Toyota.

Vệ sinh, sửa chữa hệ thống EFI tại các cơ sở uy tín

Vệ sinh, sửa chữa hệ thống EFI tại các cơ sở uy tín 

Với nhiều ưu điểm nổi trội, cho đến nay, phun xăng điện tử luôn là lựa chọn của hầu hết các hãng xe trên thế giới. Tại Việt Nam, Toyota đã trang bị công nghệ phun xăng kết hợp D-4S (kết hợp phun xăng điện tử đa điểm (MPI) và phun xăng trực tiếp (GDI)) trên các dòng xe của hãng. Với sự kết hợp này, Toyota đã đưa ra thị trường những mẫu xe được người dùng đánh giá cao về khả năng tiết kiệm nhiên liệu vượt trội. Bên cạnh đó, công nghệ này giúp quá trình đốt cháy nhiên liệu trong buồng đốt động cơ ổn định, tăng cường khả năng lái và cho xe vận hành mạnh mẽ hơn.

Người dùng có thể tham khảo những mẫu xe hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu của Toyotađăng ký lái thử để có trải nghiệm thực tế. Để biết thêm chi tiết, quý khách có thể liên hệ với Toyota qua thông tin liên hệ:

  • Tổng đài tư vấn: 1800 1524 - 0916 001 524
  • Email chăm sóc khách hàng: tmv_cs@toyota.com.vn

>> Xem thêm:

Tag: cầu xe là gì, dây curoa là gì, động cơ đốt trong là gì, trục cam là gì, thước lái ô tô là gì, két nước ô tô là gì, hệ thống bôi trơn là gì, momen xoắn là gì, ắc quy ô tô là gì, mã lực là gì, áp suất lốp là gì, phanh tang trống là gì, hệ thống treo trên ô tô là gì, adaptive cruise control là gì

Khám phá thêm về Toyota tại:

Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter