1. Người điều khiển giao thông là ai?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi đang bị ùn tắc giao thông, đường đang thi công, bến phà hay cầu đường bộ đi chung với đường sắt. 

Người điều khiển giao thông có thể báo hiệu bằng các động tác tay, cờ, gậy, còi hoặc đèn tín hiệu ánh sáng để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông làm theo hiệu lệnh đó. Nhưng chủ yếu các động tác thường được người điều khiển giao thông sử dụng là động tác bằng tay và còi.

Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông

Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông hoặc người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông (Nguồn: Sưu tầm)

2. 7 hiệu lệnh của người điều khiển giao thông - Bằng tay

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được quy định rõ ràng như sau: 

1 - Tay giơ thẳng đứng: Người điều khiển đứng nghiêm, tay phải cầm gậy quay từ từ về phía trước theo chiều kim đồng hồ và giơ tay thẳng lên. Lòng bàn tay hướng vào trước đỉnh đầu, gậy thẳng đứng và tay trái buông thẳng  theo đường chỉ quần. Động tác này là hiệu lệnh cấm đi đối với người và phương tiện tham gia giao thông ở tất cả các hướng.

Tay giơ thẳng đứng

Người tham gia giao thông ở tất cả các hướng đều phải dừng lại (Nguồn: Sưu tầm)

2 - Tay giơ sang ngang (Hai tay hoặc Một tay): Tay trái dâng lên, tay phải cầm gậy quay từ từ về phía trước mặt ngược chiều kim đồng hồ đến khi 2 tay giang ngang bằng vai. Tay phải cầm gậy tạo thành một đường thẳng song song với mặt đất và lòng bàn tay úp xuống. Khi thực hiện xong động tác mở đường người điều khiển giao thông có thể bỏ một tay xuống. Động tác tư thế mở đường này là hiệu lệnh cho người tham gia giao thông ở phía trước và sau của người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở bên trái và phải của người điều khiển được đi tất cả các hướng

Tay giơ sang ngang

Người tham gia giao thông ở phía bên phải và trái của người điều khiển được đi tất cả các hướng (Nguồn: Sưu tầm)

3 - Cánh tay trái gập đi gập lại sau gáy: Từ tư thế mở đường, người điều khiển gập cánh tay trái từ khuỷu tay đến bàn tay về phía sau gáy, tay hơi chếch lên. Lòng bàn tay hướng vào gáy, sau đó duỗi ra như tư thế mở đường và tay gập đi gập lại sau gáy ít nhất 3 lần. Động tác này là hiệu lệnh người tham gia giao thông ở bên trái của người điều khiển đi nhanh hơn.

Cánh tay trái gập đi gập lại sau gáy

Người tham gia giao thông ở bên trái của người điều khiển đi nhanh hơn (Nguồn: Sưu tầm)

4 - Cánh tay phải gập đi gập lại trước ngực: Từ tư thế mở đường, người điều khiển gập cánh tay phải cầm gậy về phía trước ngực. Cánh tay phải và gậy thẳng, sau đó duỗi ra như tư thế mở đường, tay gập đi gập lại ít nhất 3 lần. Động tác này là hiệu lệnh người tham gia giao thông phía bên phải của người điều khiển đi nhanh hơn.

Cánh tay phải gập đi gập lại trước ngực

Người tham gia giao thông ở bên phải của người điều khiển đi nhanh hơn (Nguồn: Sưu tầm)

5 - Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên: Từ tư thế mở đường, tay trái/phải của người điều khiển cầm gậy kéo về ngang thắt lưng và gậy buông thẳng xuống theo đường chỉ quần. Lòng bàn tay trái/phải úp xuống, đưa lên đưa xuống ít nhất 3 lần. Động tác này báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái hoặc phải của người điều khiển đi chậm lại.

Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên

Người tham gia giao thông ở bên trái hoặc phải của người điều khiển đi chậm lại (Nguồn: Sưu tầm)

6 - Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất: Từ tư thế mở đường, tay trái/phải của người điều khiển cầm gậy, cổ tay xoay theo hướng thẳng đứng và vuông góc với cánh tay. Động tác này là hiệu lệnh người tham gia giao thông ở bên trái hoặc phải của người điều khiển dừng lại.

Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất

Người tham gia giao thông ở bên trái hoặc phải của người điều khiển dừng lại (Nguồn: Sưu tầm)

7 - Tay phải giơ về phía trước: Từ tư thế mở đường, người điều khiển đưa tay phải cầm gậy quay về phía trước, giơ thẳng ngang vai và lòng bàn tay úp xuống. Tay trái đưa về phía trước mặt, tay thẳng và lòng bàn tay trái ở tư thế úp lật nghiêng đến thẳng đứng. Động tác này là hiệu lệnh người tham gia giao thông ở phía trước của người điều khiển được phép rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải của người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở bên trái của người điều khiển được phép đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng của người điều khiển được phép đi.

Tay phải giơ về phía trước

Người tham gia giao thông ở phía trước của người điều khiển được phép rẽ phải (Nguồn: Sưu tầm)

3. 6 hiệu lệnh của người điều khiển giao thông - Bằng còi

Theo quy định Điều 7 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, Cảnh sát giao thông sử dụng âm hiệu còi trong điều khiển giao thông như sau:

  • Một tiếng còi dài, mạnh: Ra hiệu lệnh cho người tham gia giao thông dừng lại. 
  • Một tiếng còi ngắn: Hiệu lệnh người tham gia giao thông được đi.
  • Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn: Ra hiệu lệnh cho người tham gia giao thông rẽ trái.
  • Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh: Người điều khiển ra hiệu nguy hiểm, người tham gia gia giao thông đi chậm lại.
  • Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh: Báo hiệu người tham gia giao thông đi nhanh.
  • Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh: Ra hiệu lệnh phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm giao thông.

hiệu lệnh của người điều khiển giao thông - Bằng còi

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bằng còi (Nguồn: Sưu tầm)

4. Mức phạt không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi không chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Mức phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau: 

Phương tiện

Mức phạt

Phạt tiền

Phạt bổ sung

Ô tô, các loại xe tương tự ô tô

3.000.0000 - 5.000.0000 VNĐ

Tước Giấy phép lái xe (GPLX) từ 01 - 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước GPLX từ 02 - 04 tháng.

Mô tô, xe gắn máy (bao gồm xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy

600.000 - 1.000.0000 VNĐ

Tước GPLX từ 01 - 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước GPLX từ 02 - 04 tháng.

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

1.000.0000 - 2.000.0000 VNĐ

Tước GPLX (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 01 - 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước GPLX (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 - 04 tháng.

Xe đạp, xe đạp máy (bao gồm xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác và người điều khiển xe súc vật kéo

100.000 - 200.000 VNĐ

 

Đi bộ

60.000 - 100.000 VNĐ

 


Khi tham gia giao thông, chúng ta cần phải hiểu rõ các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông để giúp cho việc di chuyển thuận tiện hơn, đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đồng thời tránh khỏi việc mất tiền vào những lỗi vi phạm không mong muốn.

Với người dùng quan tâm đến các mẫu xe Toyota có thể đăng ký lái thử để trải nghiệm đầy đủ các tính năng, tiện ích của xe. Hoặc liên hệ với Toyota để có thêm thông tin chi tiết qua:

  • Tổng đài tư vấn: 1800 1524 - 0916 001 524
  • Email chăm sóc khách hàng: [email protected] 

Tags: Phạt nguội, lỗi quá tốc độ, đi vào đường cấm ô tô phạt bao nhiêu, ô tô vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền, lỗi sai làn đường, lỗi đỗ xe ô tô sai quy định phạt bao nhiêu, lỗi vượt đèn đỏ, lỗi không xi nhan, mức phạt nồng độ cồn ô tô

Khám phá thêm về Toyota tại:

Facebook | Youtube | Instagram